Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Tâm lý học đại cương

PHẦN I – NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA TÂM LÝ HỌC
Chương 1
TÂM LÝ HỌC LÀ MỘT MÔN KHOA HỌC



I. ĐỐI TƯỢNG CỦA TÂM LÝ HỌC

Để xác định một môn khoa học cần chỉ ra được đối tượng, nhiệm vụ, vị trí, ý nghĩa và phương pháp nghiên cứu của khoa học đó.
Đối tượng của tâm lý học là các hiện tượng tâm lý với tư cách là một hiện tượng tinh thần do thế giới khách quan tác động vào não con người sinh ra, gọi chung là các hoạt động tâm lý. Tâm lý học nghiên cứu sự hình thành, vận hành và phát triển của hoạt động tâm lý.
* Phân loại hiện tượng tâm lý
Đời sống tâm lý của con người cực kỳ phong phú, đa dạng, sinh động. Có nhiều cách phân loại các hiện tượng tâm lý, để tiện nghiên cứu người ta đã phân chia các hiện tượng tâm lý theo một số cách sau:


1. Cách phân loại phổ biến
Các hiện tượng tâm lý được phân loại theo thời gian tồn tại của chúng ta và vị trí tương đối của chúng trong nhân cách. Theo cách phân chia này, các hiện tượng tâm lý có ba loại chính: các quá trình tâm lý; các trạng thái tâm lý; các thuộc tính tâm lý.
1.1. Các quá trình tâm lý 
Là những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có mở đầu, diễn biến, kết thúc tương đối rõ ràng. 
Người ta thường phân biệt thành ba quá trình tâm lý:
+ Các quá trình nhận thức gồm cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng tượng, tư duy.
+ Các quá trình cảm xúc biểu thị sự vui mừng hay tức giận, dễ chịu, khó chịu, nhiệt tình hay thờ ơ…
+ Quá trình hành động ý chí.
Các quá trình tâm lý chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định rồi kết thúc.
1.2. Các trạng thái tâm lý
Những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài, việc mở đầu và kết thúc không rõ ràng. 
Thường các trạng thái tâm lý đi kèm và làm nền cho các hiện tượng tâm lý khác. 
Ví dụ: Trạng thái chú ý trong nhận thức, Tâm trạng buồn bực, vui vẻ, sợ hãi,...Trạng thái căng thẳng trong hành động.
1.3. Các thuộc tính tâm lý
Là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, khó hình thành và khó mất đi, tạo thành những nét riêng của nhân cách. 
Người ta thường nói tới bốn nhóm thuộc tính tâm lý cá nhân như: xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực.
2. Cách phân biệt hiện tượng tâm lý khác
– Các hiện tượng tâm lý có ý thức.
– Các hiện tượng tâm lý chưa được ý thức.
Chúng ta có nhiều nhận biết về các hiện tượng tâm lý có ý thức (được nhận thức, hay tự giác). Còn những hiện tượng tâm lý chưa được ý thức vẫn luôn diễn ra, nhưng ta không ý thức về nó, hoặc dưới ý thức, chưa kịp ý thức.
Một số tác giả nước ngoài còn chia ý thức thành hai mức:
+ Vô thức
+ Tiềm thức
Tóm lại, đối tượng của tâm lý học là các hiện tượng tâm lý, gọi chung là các hoạt động tâm lý. Tâm lý học nghiên cứu sự hình thành và phát triển của hoạt động tâm lý. Thế giới tâm lý của con người vô cùng đa dạng và phức tạp. Các hiện tượng tâm lý có nhiều mức độ, cấp độ khác nhau, có quan hệ đan xen vào nhau, chuyển hoá cho nhau.Ngày nay, theo tính chất phục vụ thực tiễn của Tâm lý học, có những ngành Tâm lý học khác nhau như: Tâm lý học đại cương, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học lứa tuổi, Tâm lý học kinh doanh, Tâm lý học giao tiếp,…
Tâm lý học đại cương là một phân ngành của Tâm lý học. Nó nghiên cứu những quy luật nảy sinh và vận hành của sự phản ánh tâm lý trong hoạt động của người và động vật. Trong giáo trình này chỉ trình bày về tâm lý người.


II. NHIỆM VỤ CỦA TÂM LÝ HỌC
– Nhiệm vụ cơ bản của Tâm lý học là nghiên cứu bản chất hoạt động của tâm lý, các quy luật nảy sinh và phát triển tâm lý, cơ chế diễn biến và thể hiện tâm lý, quy luật về mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý, cụ thể là nghiên cứu:
+ Những yếu tố khách quan, chủ quan nào đã tạo ra tâm lý người.
+ Cơ chế hình thành, biểu hiện của hoạt động tâm lý.
+ Tâm lý của con người hoạt động như thế nào.
+ Chức năng, vai trò của tâm lý đối với hoạt động của con người.


– Có thể nêu lên các nhiệm vụ cụ thể của tâm lý học như sau:
+ Nghiên cứu bản chất của hoạt động tâm lý cả về mặt số lượng và chất lượng. 
Chẳng hạn, chất lượng tri giác của con người phụ thuộc vào độ chiếu sáng như thế nào, thời gian ghi nhớ một bài học,…
+ Phát hiện các quy luật hình thành, phát triển tâm lý như quy luật hình thành và phát triển nhân cách, quy luật tư duy,…
+ Tìm ra cơ chế của các hiện tượng tâm lý.
Trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu, tâm lý học đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho việc hình thành, phát triển tâm lý, sử dụng tâm lý trong nhân tố con người có hiệu quả nhất. Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, tâm lý học phải liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhiều khoa học khác.

III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA TÂM LÝ HỌC
1. Những nguyên tắc phương pháp nghiên cứu của khoa học tâm lý
1.1 Nguyên tắc khách quan
Nguyên tắc này đòi hỏi khi nghiên cứu tâm lý phải xem xét, quan sát chúng từ bên ngoài. Nguyên tắc này giúp ta tránh được sai lầm của trường phái tâm lý học chủ quan, khi coi phương pháp tự quan sát là phương pháp duy nhất để nghiên cứu tâm lý.
1.2 Nguyên tắc quyết định luận
Nguyên tắc này khẳng định tâm lý có nguồn gốc là thế giới khách quan tác động vào bộ não con người, thông qua "lăng kính chủ quan" của con người. Nguyên tắc này đòi hỏi các nhà khoa học khi nghiên cứu tâm lý phải nghiên cứu trong mối quan hệ với các vật hiện tượng khác.
1.3 Nguyên tắc thống nhất tâm lý, ý thức, nhân cách với hoạt động
Hoạt động là phương thức hình thành, phát triển và thể hiện tâm lý, ý thức, nhân cách. Đồng thời tâm lý, ý thức, nhân cách là cái điều hành hoạt động. Vì thế chúng thống nhất với nhau.Nguyên tắc này cũng khẳng định tâm lý luôn luôn vận động và phát triển. Cần phải nghiên cứu tâm lý trong sự vận động của nó, nghiên cứu tâm lý qua sự diễn biến, cũng như qua sản phẩm của hoạt động.
1.4 Nguyên tắc nghiên cứu tâm lý kết hợp với sinh lý học
Nguyên tắc này đòi hỏi khi nghiên cứu tâm lý không được bỏ qua cơ sở sinh lý – thần kinh của chúng.
1.5 Nguyên tắc cá biệt hóa
Tâm lý người mang tính chủ thể, do vậy, phải nghiên cứu tâm lý người một cách cụ thể, của nhóm người cụ thể, chứ không có tâm lý một cách chung chung, tâm lý của một con người, nhóm người trừu tượng.
2. Các phương pháp nghiên cứu tâm lý
2.1 Phương pháp quan sát: Quan sát được dùng trong nhiều khoa học, trong đó có tâm lý học.
Phương pháp quan sát cho phép chúng ta thu thập được các tài liệu cụ thể, khách quan trong các điều kiện tự nhiên của con người, do đó nó có nhiều ưu điểm. Bên cạnh các ưu điểm nó cũng có những hạn chế sau: mất thời gian, tốn nhiều công sức…
Trong tâm lý học, có thể sử dụng hai hình thức quan sát sau: 
+ Quan sát khách quan: là sự tri giác có mục đích, có kế hoạch hoạt động của con người trong những điều kiện bình thường của họ.
+ Tự quan sát: là tự thể nghiệm, tự mô tả diễn biến tâm lý của bản thân.
2.2 Phương pháp thực nghiệm: Đây là phương pháp có nhiều hiệu quả trong nghiên cứu tâm lý.
- Thực nghiệm là quá trình tác động vào đối tượng một cách chủ động, trong những điều kiện đã được khống chế, để gây ra ở đối tượng những biểu hiện về quan hệ nhân quả, tính quy luật, cơ cấu, cơ chế của chúng, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và đo đạc, định lượng, định tính một cách khách quan các hiện tượng cần nghiên cứu.
- Người ta thường nói tới hai loại thực nghiệm cơ bản là thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm tự nhiên.
2.3 Phương pháp trắc nghiệm (Test) :
+ Test là một phép thử để "đo lường" tâm lý đã được chuẩn hoá trên một số lượng người đủ tiêu biểu.
+ Ưu điểm cơ bản của test là:
-Test có khả năng làm cho hiện tượng tâm lý cần đo được trực tiếp bộc lộ qua hành động giải bài tập test.
-Có khả năng tiến hành nhanh, tương đối đơn giản bằng giấy, bút, tranh vẽ…
-Có khả năng lượng hoá, chuẩn hoá chỉ tiêu tâm lý cần đo.
+ Tuy nhiên test cũng có những khó khăn, hạn chế:
-Khó soạn thảo một bộ test đảm bảo tính chuẩn hoá.
Test chủ yếu cho ta kết quả, ít bộc lộ quá trình suy nghĩ của nghiệm thể để đi đến kết quả. Cần sử dụng phương pháp test như là một trong các cách chẩn đoán tâm lý con người ở một thời điểm nhất định.
2.4 Phương pháp điều tra
Là phương pháp dùng một số câu hỏi nhất loạt đặt ra cho một số lớn đối tượng nghiên cứu nhằm thu thập ý kiến chủ quan của họ về một vấn đề nào đó. Có thể trả lời viết (thường là như ậy), nhưng cũng có thể trả lời miệng và có người ghi lại. Có thể điều tra thăm dò chung hoặc điều tra chuyên đề để đi sâu vào một số khía cạnh. 

IV. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ
1. Tâm lý học trở thành một môn khoa học độc lập
Thế kỷ XIX, nền sản xuất lớn đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khoa học phát triển, tạo điều kiện cho Tâm lý học trở thành một ngành khoa học độc lập. Trước hết phải kể đến thuyết tiến hóa của Darwin Charles (1890 – 1882) người Anh, thuyết tâm lý học các giác quan của Helmholtz (1821 – 1892) người Đức, thuyết Tâm vật lý học của Feisner (1801 – 1887) và Veber (1795 – 1878), Tâm lý học phát sinh, phát triển của Galto (1882 – 1911) người Anh và công trình nghiên cứu về tâm thần của bác sĩ Charcot (1825 – 1893) người Pháp,…Đối với Tâm lý học thể kỷ XIX, đặc biệt nhấn mạnh đến nhà Tâm lý học người Đức Wihelm Wundt (1832 – 1920), người đã sáng lập ra phòng Tâm lý đầu tiên trên thế giới tại thành phố Leipzip và một năm sau đó, trở thành viện Tâm lý học đấu tiên của thế giới. 
Tâm lý học trở thành một môn khoa học độc lập do công sức của nhiều nhà khoa học qua nhiều thế kỷ. Nhưng W.Wundt đã có công to lớn trong việc quyết định các điều kiện cần thiết cho sự ra đời của một ngành khoa học. Khẳng định đối tượng của khoa học, có cán bộ nghiên cứu, có phương pháp nghiên cứu tương ứng, có phương tiện nghiên cứu, có thông tin khoa học, các công trình nghiên cứu có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn.
Điều đáng tiếc là lý luận Tâm lý học của W.Wundt không chỉ ra được nguồn gốc phát sinh, động lực phát triển và các chức năng, vai trò của tâm lý. Do đó, đã không giúp ích được gì nhiều cho việc điều khiển tâm lý, không thể nói tới việc giáo dục, hình thành tâm lý. Trong khi đó, nền sản xuất đương thời đang phát triển, đòi hỏi giáo dục phải cung cấp cho nó những con người đáp ứng các nhu cầu của cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì lẽ đó, nhiều nhà Tâm lý học đã rơi bỏ con đường nghiên cứu mang tình duy vật chủ quan để tìm các con đường phát triển khác cho Tâm lý học.
Đầu thế kỷ XX, xuất hiện ba dòng Tâm lý học khách quan: Tâm lý học hành vi, Tâm lý học cấu trúc và Phân tâm học. Trong thế kỷ XX còn có những dòng Tâm lý học khác nữa như Tâm lý học nhân văn, Tâm lý học nhận thức. Đặc biệt, sau cách mạng tháng 10 – 1917 thành công ở Nga, dòng Tâm lý học hoạt động đã đem lại những bước ngoặc lịch sử đáng kể trong Tâm lý học.
2. Các quan điểm cơ bản trong Tâm lý học hiện đại
2.1 Tâm lý học hành vi
Tâm lý học hành vi do John Broadus Watson (1878 – 1958) người Mỹ chủ trương không mô tả hay giảng giải về các trạng thái ý thức của con người, mà chỉ cần nghiên cứu về các trạng thái ý thức của con người mà chỉ cần nghiên cứu hành vi của họ là đủ. Hành vi được quan niệm là tổng số các cử động bề ngoài được nảy sinh để đáp lại một kích thích nào đó theo công thức kích thức – phản ứng (S – R). Các cử động này thể hiện chức năng thích nghi với môi trường xung quanh, theo phương pháp “thử - sai”.
Các học trò của Watson đã đưa thêm vào công thức S – R những biến số trung gian như: nền văn hóa, nhu cầu, trạng thái chờ đợi,… công thức được đổi thành: S – X – R. Nhưng về cơ bản, chủ nghĩa hành vi vẫn mang tính máy móc, thực dụng không phản ánh được cuộc sống thức của con người trong xã hội với những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi người.
2.2 Tâm lý học cấu trúc (Tâm lý học Gestalt)
Do bộ ba Max Wertheimer (1880 - 1943) , Wolfgarg Kohler (1887 - 1967) và Kurt Koffka (1886 – 1947) lập ra ở Đức. Đây là dòng Tâm lý học khách quan chuyên nghiên cứu tri giác và ít nhiều nghiên cứu tư duy. Họ đi sâu nghiên cứu các quy luật về tính ổn định và tính trọn vẹn của tri giác, quy luật bừng sáng của tư duy. Trên cơ sở thực nghiệm, các nhà Tâm lý học Gestalt đã khẳng định các uy luật của tri giác, tư duy, tâm lý của con người do các cấu trúc tiền định của não quyết định. Khuyết điểm của họ là ít chú ý đến vốn sống, kinh nghiệm xã hội,…
2.3 Phân tâm học
Còn gọi là Tâm lý học Sigmund Freud do bác sĩ người Áo Sigmund Freud xây dựng nên. Luận điểm cơ bản của S.Freud là chia nhân cách con người thành ba khối: cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi. Cái ấy bao gồm các bản năng vô thức, trong đó bản năng tình dục giữ vai trò quan trọng, trung tâm, đảm bảo năng lượng cho toàn bộ đời sống tâm lý và các hành vi của con người. Cái siêu tôi là những gì được coi là chuẩn mực xã hội, đạo đức, những quy tắc hành xử phải biết; hoạt động theo nguyên tắc kiềm chế. Cái tôi là phần quá độ, hoạt động theo hướng hiện thực, điều chỉnh sao cho vừa có thể thỏa mãn cái tôi, vừa phù hợp với cái siêu tôi.
Phân tâm học quá đề cao bản năng cái vô thức trong đời sống tâm lý của con người, họ không công nhận chân lý khoa sau: tâm lý người về bản chất là tâm lý ý thức.
Ba dòng Tâm lý học trên đã góp phần tấn công vào dòng chủ quan của Tâm lý học, đưa Tâm lý học phát triển theo hướng khách quan, nhưng họ đã bỏ qua các mối quan hệ bản chất của con người.
2.4 Tâm lý học nhân văn
Trường phái này do Carl Rogers (1902 - 1987) người Mỹ và Abraham Maslow sáng lập. Các nhà Tâm lý học nhân văn quan niệm rằng: bản chất con người vốn tốt đẹp, có lòng vị tha và có tiềm năng kỳ diệu. A.Maslow đã nêu năm mức độ nhu cầu của con người xếp theo thứ tự từ thấp đến cao: 
- Nhu cầu sinh lý cơ bản
- Nhu cầu an toàn
- Nhu cầu văn hóa – xã hội
- Nhu cầu được kính trọng
- Nhu cầu thực hiện hóa bản thân
C.Rogers cho rằng con người ta cần đối xử với nhau hết sức tế nhị, biết cởi mở, biết lắng nghe nhau và chờ đợi, cảm thông nhau. Tâm lý học cần phải giúp con ngươi tìm ra được bản ngã đích thực của mình để có thể sống một cách thoải mái, cởi mở, sáng tạo. Tâm lý học nhân văn đề cao những trải nghiệm chủ quan của bản thân, mà thiếu vắng con người trong hoạt động thực tiễn vì tách con người khỏi các mối quan hệ xã hội.
2.5 Tâm lý học nhận thức
Đại diện sáng giá cho trường phái này là Jean Piaget (1896 - 1980). Đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học nhận thức là hoạt động nhận thức của con người trong mối quan hệ với môi trướng, với cơ thể và não bộ. Trường phái này đã phát hiện được nhiều sự kiện khoa học có giá trị đạt tới một trình độ mới như tri giác, trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ.
Họ cũng xây dựng nhiều phương pháp nghiên cứu cụ thể nhằm góp phần hiện đại hóa khoa học tâm lý. Tuy nhiên, coi nhận thức của con người là sự nỗ lực của ý chí để đưa đến thay đổi kinh nghiệm, tri thức của chủ thể nhằm thích nghi, cân bằng với môi trường là hạn chế của Tâm lý học nhận thức, bởi chưa thấy hết ý nghĩa tích cực và ý nghĩa thực tiễn của hoạt động nhận thức.
Những trướng phái Tâm lý học trên đều có những đóng góp nhất định cho sự hình thành và phát triển của Tâm lý học. Nhưng vì hạn chế lịch sử nhất định nên vẫn chưa đầy đủ về con người, về hoạt động tâm lý của con người.
2.6 Tâm lý học hoạt động
Dòng Tâm lý học hoạt động do các nhà Tâm lý học Xô viết sáng lập như: L.X.Vuigotxki (1896 - 1934), X.L. Rubinstein (1899 - 1960), A.N. Leotiev (1903 - 1979), A.R. Luria,… đã khắc phục những hạn chế trên. Tâm lý học hoạt động lấy triết học Marx - Lenin làm cơ sở phương pháp luận, lấy phạm trù hoạt động có ý thức trong hệ thống lý luận Marxist làm mẫu để nghiên cứu đời sống con người. Tâm lý học hoạt động cho rằng: tâm lý là sự phản ánh thế giới khách quan vào não thông qua hoạt động, tâm lý người mang tính chủ thể, có bản chất xã hội, tâm lý người đượng hình thành , phát triển trong hoạt động và giao lưu của con người trong xã hội loài người.
(còn tiếp...)

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Nghề công tác xã hội - Hãy chọn & tin yêu

Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010- 2020 với 2 giai đoạn: Giai đoạn 2010- 2015, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Giai đoạn 2016- 2020, phát triển đội ngũ cán bộ viên chức ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thực hiện đề án, có 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp và 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo lại... Đây được coi là bước khởi đầu mở ra một nghề mới nhiều triển vọng trên thị trường lao động.
Có thể nói, đội ngũ nhân viên làm CTXH thời gian qua là chỗ dựa cho những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội như: người nhiễm HIV, người khuyết tật, trẻ lang thang, đối tượng bạo hành gia đình... giúp họ giải quyết khó khăn, lấy lại niềm tin và vươn lên trong cuộc sống. Thế nhưng hiện nay, việc đào tạo nghề cho lĩnh vực CTXH vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Cả nước hiện có gần 40 trường đại học, cao đẳng mỗi năm tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên CTXH có bằng tiến sĩ và thạc sĩ còn rất ít, chỉ khoảng 30- 40 người. Thậm chí, có trường chưa có giảng viên nào được đào tạo về CTXH mà chỉ được đào tạo ngành học gần giống như ngành xã hội học, nhân học, giáo dục đặc biệt...

Trong khi đội ngũ giảng viên còn thiếu thì các trường đại học, cao đẳng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sinh viên theo học ngành CTXH. Nguyên nhân do đây là ngành học mới, khá xa lạ với sinh viên đang theo học. Mặt khác, nhận thức của xã hội về ngành CTXH còn hạn chế, bởi thường nhầm lẫn nghề CTXH với từ thiện là một. Ngoài ra, trong quá trình theo học, sinh viên còn e ngại khi phải tiếp xúc với người nhiễm HIV, gái mại dâm, người khuyết tật, trẻ lang thang, người nghèo... Nhiều bậc cha mẹ cũng ngăn cản khi con chọn học ngành CTXH vì nhiều lý do.
Để CTXH không còn xa lạ đối với học sinh, sinh viên thì các trường trước hết phải quảng bá ngành học. Trong quá trình sinh viên theo học, nhà trường cần phải có nhiều hoạt động thực tế cho sinh viên nhằm tiếp xúc và làm quen với việc hỗ trợ đối tượng xã hội, đặc biệt là tạo niềm tin, lòng yêu nghề, từ đó các em hình thành và thay đổi cách nhìn cũng như có kinh nghiệm trong thực tế sau này.



Cô Nguyễn Kim Thiện, chủ nhiệm mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM) cho biết: Tôi đã làm việc ở nhiều nơi như trung tâm cai nghiện ma túy, giáo dục trẻ lang thang cơ nhỡ và bây giờ là chịu trách nhiệm một mái ấm với các trẻ nữ bị xâm hại tình dục. Tôi nhận thấy rằng, nghề CTXH ở nước ta vẫn còn thiếu và yếu. Chính vì vậy việc đào tạo đội ngũ CTXH một cách bài bản là rất cần thiết. Nếu trước đây khi chưa theo học tại Đại học Mở, tôi chỉ giúp người một cách đơn thuần nhưng sau khi được học có bài bản tôi đã biết giúp người không chỉ là giúp một cách giản đơn mà phải giúp có khoa học. Người làm CTXH không chỉ thiên về tình cảm mà còn phải có cả lý trí trong đó, như người ta hay nói "cho cần câu chứ không cho con cá" là vậy.
Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ là một dự án của Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM (HCWF). Hiện Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ đang thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và giúp trẻ định hướng tương lai tươi đẹp hơn. Kể từ năm 1992, Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ đã giúp đỡ được hàng trăm trẻ gái xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoạt động của Mái ấm bao gồm: Tiếp cận trẻ gái trên đường phố và những điểm nóng; giúp trẻ gái có nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục, mãi dâm... có ăn mặc và chỗ ở; giúp trẻ phục hồi tâm lý...
Sơ Trịnh Thị Đào, Hiệu trưởng Trung tâm điếc huyện Thuận An (Bình Dương) cũng nhận định: Để được ra học hòa nhập và theo kịp với các học sinh tại các trường bên ngoài đối với các em khuyết tật quả thật không đơn giản chút nào, nhất là những em bị tật khiếm thính. Bởi hiện nay, giáo viên dạy cho trẻ khuyết tật ở các trường bên ngoài còn thiếu rất nhiều. Nhiều cô lại chưa từng được học qua phương pháp dạy trẻ khiếm thính. Vì vậy, chúng tôi phải đắn đo, tính toán rất nhiều khi cho trẻ đi học hòa nhập. Trong khi đó, trung tâm cũng thiếu giáo viên vì vẫn còn rất ít người theo học ngành CTXH. Rất nhiều nơi như chúng tôi đặc biệt cần những người có cái tâm, yêu nghề và có phương pháp dạy trẻ khuyết tật...



Có thể thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn trong CTXH hiện nay là rất lớn. Chính vì lẽ đó, trong mùa tuyển sinh năm nay, nếu yêu thích nghề này và muốn có việc làm ngay sau khi ra trường, các bạn trẻ hãy mạnh dạn đăng ký. Các bạn hãy luôn tự tin với nghề mà mình đã chọn để giúp ích cho bản thân và những người còn gặp nhiều khó khăn trong xã hội.
Trần Phương

Hiểu về quan niệm Công Tác Xã Hội



Bài viết này được đăng trên Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc Gia Hà Nội, số 1 năm 2009, từ trang 1 đến trang 7. Xin trân trọng giới thiệu.
Tóm tắt: Công tác xã hội là một lĩnh vực chuyên môn mới ở Việt Nam, mặc dù đây là ngành học có quá trình phát triển lâu dài trên thế giới cũng như có nhiều các hoạt động liên quan đến công tác xã hội ở Việt Nam. Để hiểu về Công tác xã hội theo các quan niệm của Hiệp hội các cán sự công tác xã hội (IFSW) và Hiệp hội Công tác xã hội Hoa Kỳ (NASW), đó là điều rất quan trọng cho việc áp dụng hoạt động chuyên môn này điều kiện của Việt Nam.
Bài viết này lý giải sứ mệnh chính của công tác xã hội như việc tăng cường thúc đẩy chức năng xã hội và quá trình tự quyết của thân chủ. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra năm cách hiểu về công tác xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Những cách hiểu này làm nền tảng cho các hoạt động thực hành công tác xã hội, bao gồm: Công tác xã hội là hoạt động đáp ứng những yêu cầu của thân chủ; công tác xã hội là hoạt động chuyên môn phát triển liên tục; công tác xã hội là một hình thức tổng hợp sáng tạo trong việc sử dụng những kiến thức, giá trị và các kỹ năng; công tác xa hội là một tiến trình giải quyết vấn đề; và công tác xã hội được xem như là hoạt động can thiệp vào các tương tác xã hội của con người.
Xin tải toàn văn bài viết tại đây
               Nguồn : http://vnsocialwork.net